Bản chất lãnh
đạo
Sau khi đọc xong chương “Bản chất
lãnh đạo” em đã hiểu thêm nhiều điều bổ ích về bản chất của lãnh đạo, có những
thay đổi trong suy nghĩ về lãnh đạo và cảm thấy hứng thú, vui thích khi được
tìm hiểu về môn học này.
Lãnh đạo là mối liên hệ ảnh hưởng
giữa những con người có cùng mục đích và tự nguyện thay đổi vì mục đích đó.
Lãnh đạo không phải là mối quan hệ bắt buộc, cưỡng chế, mà là mối quan hệ ảnh
hưởng thuận nghịch, có qua có lại. Sự ảnh hưởng qua lại này không chỉ xảy ra giữa
người lãnh đạo và người phục tùng, mà còn xảy ra giữa những người phục tùng với
nhau.
Nhà lãnh đạo là người gây ảnh hưởng
đến người khác để đạt được mục tiêu chung của tổ chức, vì thế nhà lãnh đạo cần
có những người phục tùng. Nhà lãnh đạo không có cấp dưới và cũng không phải là
cấp trên của người khác. Còn nhà quản trị thì có nhân viên thuộc cấp, và dùng
quyền lực để ra lệnh cho cấp dưới thực hiện công việc.
Quản trị là tiến trình làm việc
thông qua và với người khác nhằm đạt được mục tiêu của mình. Mối quan hệ trong
quản trị là mối quan hệ cưỡng bức, vì nó là mối quan hệ chính thức, có thứ bậc
và quyền hành. Cấp trên có quyền ra lệnh cho cấp dưới và cấp dưới bắt buộc phải
nghe theo mệnh lệnh của cấp trên. Còn mối quan hệ ảnh hưởng của lãnh đạo là mối
quan hệ tự nguyện, không chính thức, là mối quan hệ đa phương, không có thứ bậc.
Nhà lãnh đạo không có quyền ra mệnh lệnh cho người khác và cũng không cần ra bất
kỳ một quyết định nào, mà dùng những phẩm chất, năng lực của mình để gây ảnh hưởng
đến người khác.
Sự khác nhau giữa lãnh đạo và quản
trị thì khó để phân biệt, tuy nhiên có những đặc điểm có thể phân biệt được hai
khái niệm này. Lãnh đạo thường tác động đến con người, đạt được mục tiêu chung
thông qua cổ vũ, động viên, gây ảnh hưởng đến người khác, và công việc của nhà
lãnh đạo là đề ra phương hướng, viễn cảnh, chủ trương, sách lược. Còn quản trị
thường tác động đến công việc, đạt được mục tiêu thông qua hệ thống chính sách,
mệnh lệnh, yêu cầu; và công việc của nhà quản trị là xây dựng kế hoạch, tổ chức
thực hiện, lãnh đạo, kiểm tra giám sát,… Chức năng lãnh đạo của nhà quản trị
khác với công việc của một nhà lãnh đạo. Nhà quản trị cần thúc đẩy, đôn đốc
nhân viên làm việc, còn nhà lãnh đạo thì không cần làm công việc đó.
Trước đây em cho rằng lãnh đạo là
một công việc cực kỳ to lớn, khó tiếp cận và nhắc đến lãnh đạo thì em lại liên
tưởng đến những con người vĩ đại, có những đóng góp to lớn cho xã hội, cho đất
nước, cho thế giới như Hồ Chí Minh, Lenin, Võ Nguyên Giáp, Napoleon, … Nhưng giờ đây, em biết rằng lãnh đạo không
chỉ gắn liền với những tên tuổi lớn, lãnh đạo có thể bắt đầu từ những công việc
đơn giản nhất. Thực tế cho thấy, lãnh đạo không chỉ là công việc quan trọng và
tầm cỡ, nó xuất hiện ở khắp nơi xung quanh chúng ta. Trong một nhóm bạn thân,
có một người luôn là người đề xướng những trò chơi, hoạt động cho nhóm và luôn
nhận được sự ủng hộ, tín nhiệm từ những người khác. Người đó chính là người
lãnh đạo, mặc dù không có bất kỳ sự bầu chọn, đề cử chính thức nào. Em tin tưởng
rằng bất kỳ ai cũng có thể trở thành nhà lãnh đạo khi rèn luyện những phẩm chất
cần thiết và không ngừng phát triển bản thân.
Những phẩm chất của một nhà lãnh
đạo mà em cho là quan trọng là sự sáng tạo,
tầm nhìn chiến lược, khả năng gây ảnh hưởng đến người khác và năng lực truyền
thông. Theo em thì những phẩm chất này giúp cho nhà lãnh đạo thành công hơn
và em đang nỗ lực cải thiện những kỹ năng còn hạn chế của mình, phát huy những
kỹ năng đã có. Em đang cố gắng rèn luyện bản thân để trở nên tự tin hơn, giao
tiếp tốt hơn và có thể gây ảnh hưởng đến người khác. Em đã tham gia thêm một
câu lạc bộ thanh niên Công giáo để học hỏi thêm nhiều kỹ năng cũng như tạo cho
mình một môi trường giao tiếp rộng hơn.
Có một câu em rất tâm đắc đó là “nhà lãnh đạo bán các ý tưởng”. Nhà lãnh
đạo vạch ra những đường hướng hoạt động của tổ chức qua những ý tưởng của mình.
Công việc của nhà lãnh đạo là truyền đạt ý tưởng đó cho mọi người, còn những
người khác sẽ thực hiện nó. Vì thế, em nghĩ nhà lãnh đạo cần có tính sáng tạo
cao.
Vai trò của một nhà lãnh đạo
trong tổ chức là rất quan trọng, vì đó là người vẽ ra bức tranh viễn cảnh tương
lai của tổ chức. Để có thể gây ảnh hưởng và thuyết phục đến những người khác
thì nhà lãnh đạo cần có một tầm nhìn chiến lược rộng lớn. Đó chính là điểm khác
biệt giữa nhà lãnh đạo và người phục tùng. Bởi vì trong tổ chức, mọi người đều
gây ảnh hưởng với nhau, và chỉ có một người được những người khác tin tưởng nhất
vì người đó nắm rõ mục đích chung của tổ chức. Chỉ cần như vậy thôi thì những
người khác đã tự nguyện phục tùng.
Khả năng gây ảnh hưởng cũng là một
yếu tố đặc biệt quan trọng giúp người lãnh đạo thành công. Nhà lãnh đạo chính
là gây ảnh hưởng, khơi dậy sự đam mê, nhiệt huyết và khả năng tiềm tàng của người
khác để họ tự mình hoàn thành nhiệm vụ. Làm thế nào để có thể không nói gì mà vẫn
tác động đến hành vi của người khác? Em nghĩ đó chính là bí quyết thành công của
những nhà lãnh đạo giỏi. Trước đây em có đọc một cuốn sách của Adam Khoo, ông
nói rằng khi thành công tạo dựng cơ nghiệp rồi, chúng ta không thể suốt ngày
làm việc quần quật như những nhân viên khác được. Mà phải làm thế nào để doanh
nghiệp của mình tự vận hành mà không cần đến sự có mặt của ta. Chúng ta đi nghỉ
mát ở Hawaii và tiền vẫn đổ vào túi ta, không cần làm việc mà không sợ công ty
bị ngừng trệ. Sự so sánh này có chút khập khiễng, nhưng em cho rằng ở một khía
cạnh nào đó, nhà lãnh đạo cũng cần có khả năng như vậy. Không cần nhắc nhở đốc
thúc mỗi ngày mà mọi người vẫn tự động hoàn thành tốt công việc.
Truyền thông là con đường mà nhà
lãnh đạo truyền cảm hứng cho mọi người xung quanh. Muốn gây ảnh hưởng tốt cho
người khác thì nhà lãnh đạo cần phải là người truyền thông giỏi. Con đường truyền
và nhận thông tin trong tổ chức cần linh hoạt và chính xác, đầy đủ, kịp thời
thì sẽ mang lại hiệu quả lớn hơn cho tổ chức.
Lãnh đạo là một nghệ thuật và nghệ
thuật chính là thứ không bao giờ có công thức. Vì thế không thể có một mô hình
hay khuôn mẫu những phẩm chất cần có của nhà lãnh đạo giỏi. Theo em thì điều đó
phụ thuộc vào những giá trị phương tiện và giá trị mục tiêu của mỗi người. Phát
triển những giá trị mà chúng ta cho là quan trọng và cần thiết với chính mình,
chúng ta có thể trở thành những nhà lãnh đạo tài giỏi và độc đáo.
Trong những công việc nhóm của những
tuần vừa qua, em đóng vai trò của người lãnh đạo trong hoạt động xã hội. Em cảm
thấy rất hứng thú với hoạt động xã hội của nhóm Power và nhóm em quyết định
liên kết với nhóm Power để cùng thực hiện hoạt động xã hội “Gửi cánh hải âu –
Tuổi trẻ mang nắng xuân đến miền hải đảo”. Trong dự án của hai nhóm, thì có hoạt
động tập nhảy bài “Việt Nam ơi” cho các em học sinh ở trường Tiểu học Lê Lai.
Em rất thích giao lưu với các em học sinh, và muốn tất cả mọi người đều tham
gia, nhưng có một số bạn không tích cực. Em nhận thấy mình chưa làm tốt trong
công việc lãnh đạo nhóm. Em cho rằng bản thân chưa đủ sức thuyết phục các bạn,
không có những hoạt động mới sáng tạo, không gây ảnh hưởng nhiều đến các bạn
nên hoạt động nhóm vẫn chưa tích cực.
Trong những hoạt động khác của
nhóm thì em vẫn chưa đủ sức ảnh hưởng đến các thành viên khác. Một điều khiến
nhóm em rời rạc là do tâm lý nghi ngờ của các thành viên đối với một thành viên
đã từng mắc lỗi và bị phê bình trong nhóm. Bởi vì tâm lý nghi ngờ này nên khi
làm việc, mọi người thường ít phân công những việc quan trọng cho thành viên
này. Bao trùm trong nhóm là sự thiếu tín nhiệm. Em cũng cố gắng tin tưởng thành
viên đó, cũng may là thái độ và biểu hiện của thành viên này ngày càng tích cực.
Theo em nghĩ, một nhà lãnh đạo tốt thì phải biết tạo động lực, thúc đẩy người
khác, khơi gợi sự hứng thú trong họ và đôi khi sự tin tưởng chính là động lực
thúc đẩy họ làm việc tốt và hiệu quả hơn.
Nhóm em hiện đang cùng nhóm Power
tổ chức hoạt xã hội và trong thời gian tiếp xúc với các bạn đó em cảm thấy mình
học hỏi được rất nhiều điều. Cách các bạn tổ chức lên kế hoạch, thương lượng với
các bên hữu quan, tổ chức thực hiện các hoạt động,… tất cả đều được thực hiện
trong sự đam mê và nhiệt huyết. Hoạt động này là tâm huyết của các bạn và chính
bản thân em cũng cảm thấy bị lôi cuốn vào trong các hoạt động đó. Em nhận thấy
các bạn trong nhóm Power có khả năng gây ảnh hưởng và truyền cảm hứng rất tốt.
Người ta nói “học thầy không tày học bạn”, em nghĩ mình cần phải trau dồi thêm
và học hỏi các bạn rất nhiều.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét