Chương 5 mang
chúng ta đến với thế giới của trí tuệ và cảm xúc lãnh đạo. Ở thế giới đó, chúng
ta khám phá những vùng đất mới ẩn sâu bên trong con người mình. Điều này chắc
chắn sẽ mang đến những thu hoạch lớn bất ngờ, ít nhất là trong tương lai. Không
chỉ là nhà lãnh đạo mới cần phải làm điều đó, mà bất kỳ ai cũng nên học khám
phá chính bản thân mình, bởi vì đây chính là một cuộc hành trình kỳ diệu đầy
thích thú.
Để lãnh đạo hiệu
quả, nhà lãnh đạo không chỉ rèn luyện nhiều kỹ năng cần thiết, mà còn phải phát
huy hết những khả năng tiềm ẩn trong con người mình. Khả năng là những tiềm năng còn chứa đựng trong mỗi chúng ta có thể lớn
hơn và nhiều hơn những điều chúng ta đang có. Mỗi người đều tiềm ẩn trong
mình những khả năng to lớn mà đôi khi họ không nhận ra được. Khả năng là cái hiện
chưa có, chưa tới, nhưng sẽ tới ở những điều kiện thích hợp. Muốn thành công
hơn nhà lãnh đạo cần khám phá bản thân mình, khám phá những cách tư duy, suy
nghĩ của mình để nhận ra những khả năng tiềm tàng trong chính bản thân mình.
Không những thế, họ cũng cần phát hiện và khơi dậy khả năng của người phục tùng,
tạo điều kiện để khả năng đó được phát huy, giúp cho người phục tùng nhận thức
rõ được giá trị của bản thân, giữ vững tinh thần cùng với động lực cao để cống
hiến cho tổ chức. Để có thể làm được điều đó, nhà lãnh đạo phải có những kỹ
năng thực tiễn và những kỹ năng nhận thức. Đó là kỹ năng giao việc, kỹ năng tạo
động lực, chia sẻ, lắng nghe,… Còn những kỹ năng nhận thức thì giúp nhà lãnh đạo
thấu hiểu con người, nhận diện các cảm xúc, suy nghĩ của nhân viên…
Mô hình trí tuệ lãnh đạo có thể xem như là một
cấu hình bên trong đang tác động đến hành động và các mối quan hệ của một nhà
lãnh đạo với những người khác. Mô hình trí tuệ lãnh đạo của nhà lãnh đạo có
khuynh hướng chi phối, ảnh hưởng đến cách họ thể hiện các kinh nghiệm, cách họ
hành động để đáp ứng với con người và hoàn cảnh. Các nhà lãnh đạo cần nhận thức
rằng chính các mô hình trí tuệ lãnh đạo của họ và của những người khác đã gây ảnh
hưởng đến tư duy và có thể tạo ra “điểm mù” giới hạn sự hiểu biết và tính hiệu
lực như thế nào. Nhân tố quan trọng quyết định đến thành công của nhà lãnh đạo
và tổ chức có thể là năng lực chuyển đổi mô hình trí tuệ lãnh đạo. Các giả định
của nhà lãnh đạo về bản chất con người cũng là một phần trong mô hình trí tuệ của
họ. Ví dụ như Mạnh Tử cho rằng “Nhân chi sơ tính bản thiện, tính tương cận tập
tương viễn”. Tức là con người sinh ra đều mang trong mình sự lương thiện, hiền
lành, trong trắng. Bản chất của con người giống nhau, tính tình khá đồng nhất,
nhưng do môi trường và sự tiếp cận học hỏi khác nhau mà tính tình đâm ra khác
biệt nhau. Vì thế, con người phải được giáo dục, rèn luyện từ nhỏ, đồng thời
môi trường xã hội lành mạnh trong sạch thì tính thiện sẽ phát triển, tính dữ
tính ác bị ngăn chặn. Còn Tuân Tử thì cho rằng “Nhân chi sơ tính bản ác, lý
tính hậu lai tập đắc”. Tức là con người sinh ra vốn có tính ác, tính dữ, nhưng
sau này do học tập mà có lý trí, biết phân biệt đúng sai. Tuân Tử cho rằng con
người có tính dữ nên cần phải giáo dục và cái ác cần dùng pháp luật để nghiêm
khắc trừng trị. Đó là hai giả định của hai nhà hiền triết nổi tiếng thời cổ đại.
Chỉ với việc tin tưởng vào một trong hai giả định này, người ta đã có những suy
nghĩ và hành động khác nhau. Các giả định có vai trò dẫn dắt hành vi của con
người. Vì vậy, các nhà lãnh đạo cần nghi vấn và suy nghĩ về các giả định ảnh hưởng
đến mình để xác định nó có phù hợp với hoàn cảnh thực tiễn hay không.
Nhận thức là quá trình mà con người dùng để
cảm nhận môi trường thông qua việc lựa chọn, tổ chức và giải thích thông tin từ
đó. Nhận thức là một phần của mô hình trí tuệ của mỗi người, quyết định
cách thức nhà lãnh đạo suy xét con người, các tình huống và sự kiện. Quá trình
nhận thức diễn ra như sau: theo dõi thông tin từ môi trường thông qua các giác
quan à
trí óc kiểm tra dữ liệu và chọn ra tin tức chắc chắn cho quá trình sau này à
tổ chức dữ liệu thành các mô thức có ý nghĩa và phản hồi. Nhưng khi theo dõi
thông tin, chúng ta chỉ thu thập được một được một số lượng nhỏ. Con người
không thể ghi nhận tất cả các dữ liệu giác quan mang lại cho họ. Và thường, người
ta thu thập có chọn lọc, họ thấy những gì họ muốn thấy, nghe những gì mình muốn
nghe, họ tìm dữ liệu hỗ trợ các giả định ban đầu của họ và bỏ qua những thông
báo hay bằng chứng phản biện. Khi trí óc sắp xếp thông tin và chọn ra những tin
tức chắc chắn, thì nó lại phân loại thông tin, dẫn đến những dự đoán hay những
giả định có thể sai lầm. Khi hình thành mô thức dựa trên thực tế, người ta lại
có nhiều nhận thức khác nhau vì họ có thực tế rất khác nhau, các khác biệt này
thường gây hiểu lầm và xung đột. Quá trình nhận thức còn bị ảnh hưởng bởi các
tác nhân kích thích và các dữ liệu giác quan, do đó sự nhận thức có thể bị bóp
méo, rập khuôn. Rập khuôn là một chức năng tự nhiên của tâm lý con người, nhằm
đơn giản hóa các phức tạp thực tế và làm cho cơ thể và tâm trí của chúng ta
phát triển các phản ứng tự động để kích thích tương tự. Rập khuôn thường xuyên sẽ
dẫn đến kết quả là hình thành định kiến, ý kiến tiêu cực về người khác. Thông
thường, người ta có thói quen rập khuôn các đặc điểm. Ví dụ: tất cả các thanh
thiếu niên yêu rock and roll và không tôn trọng người lớn tuổi, tất cả những
người thuộc Hồi giáo đều là khủng bố. Rập khuôn có bốn đặc điểm chính: (1) Đều
đơn giản hơn so với thực tế, (2) được hình thành từ "trung gian văn
hóa" hơn là kinh nghiệm cá nhân, (3) thường là sai do bản chất của nó, (4)
thường sẽ rất khó thay đổi nếu đã được hình thành từ thơ ấu, bám chặt vào nhận
thức và hành vi của con người. Nhiều lãnh đạo, khi đánh giá nhân viên trong một
kỳ mới, thường bị chi phối bởi những định kiến có sẵn từ kết quả đánh giá của
các kỳ trước. Vì thế, những nhân viên bị sếp có ấn tượng xấu, mãi mãi bất lợi. Khi
gặp bạn bè cũ, ai học giỏi bây giờ vẫn được tôn trọng, ai học kém cũng tiếp tục
bị coi thường, qua nhiều năm nhưng chúng ta vẫn có định kiến như vậy. Chúng ta
không tin thiên nga lại có thể màu đen, vì quen nhìn thấy thiên nga màu trắng. Kinh
nghiệm rất tốt cho chúng ta nhưng nó cũng hình thành trong ta vô số định kiến,
khiến cho ta không nhìn được cái mới. Định kiến là thứ rất khó tẩy khỏi não.
Trong hồi ký của mình, Nelson Mandela thú nhận: “Một lần lên máy bay, nhìn thấy
phi công là người da đen, tôi đã rất lo lắng và cảm giác lo lắng đó kéo dài cho
đến hết chuyến bay. Sau đó tôi đã rất xấu hổ, vì bản thân mình cũng là người da
đen, cả cuộc đời đấu tranh chống phân biệt chủng tộc, nhưng lại không tin nổi một
người da đen có thể lái máy bay an toàn”. Để giảm bớt tác hại của định kiến,
chúng ta phải hết sức cảnh giác với những kinh nghiệm của chính mình, đồng thời
phải nhận thức được sự vận động liên tục, sự thay đổi không ngừng và nhanh
chóng của môi trường xung quanh. Cái gì cũng có thể tốt lên hoặc xấu đi. Người
xưa có câu: “Ba ngày không gặp nhau, gặp lại sẽ là người khác”. Nhà lãnh đạo
thì càng phải cảnh giác với những kinh nghiệm của mình, bởi vì nó có thể trở
thành định kiến, mà định kiến của lãnh đạo chính là sự cản trở lớn nhất đối với
sự phát triển nhân viên.
Trí tuệ có thể phát triển theo bốn lĩnh vực
chính: tư duy độc lập, tư tưởng cởi mở, tư duy hệ thống và ưu thế cá nhân.
Tư duy độc lập nghĩa là nghi vấn các giả định
và giải thích, làm sáng tỏ các dữ liệu, các sự kiện theo niềm tin, ý tưởng, tư
duy của bản thân người đó, không theo những quy tắc, thủ tục hay các phân hạng,
xếp loại đã được người khác xác định từ trước. Mọi người đều được tạo hóa
ban tặng một bộ não có tiềm năng to lớn, nhưng không phải ai cũng biết tận dụng
khả năng đó. Rất nhiều người không chịu động não mà chỉ làm theo người khác mà
không biết rằng muốn thành công thì phải có tư duy độc lập. Nền tảng của tư duy
độc lập là kỹ năng tư duy phân tích, phê phán, nhất là khi con người phải thường
xuyên đối diện với hàng loạt vấn đề đa dạng trong thế giới không ngừng biến động
ngày nay. Tư duy độc lập có nghĩa là phải tư duy và không tiếp nhận bất cứ một
điều gì mà không tự hỏi, tự giải thích vấn đề đó một cách duy lý, khoa học và
trung thực. Khi con gái Karl Marx ông về câu châm ngôn mà ông thích nhất, Marx
đã nói: “Hoài nghi tất cả!” Câu nói của Marx đã thức tỉnh nhiều người, cần phải
rèn luyện cho mình tư duy độc lập. Chúng ta cần có chính kiến của bản thân và
phải đứng ra bảo vệ nó chứ không nên đồng ý hay chấp nhận theo đám đông. Việc
tư duy độc lập khiến chúng ta có thói quen suy nghĩ sâu sắc, toàn diện và đôi
khi đem đến sự sáng tạo độc đáo bất ngờ. Nếu chúng ta không chịu suy nghĩ thì bộ
não sẽ dần lười hoạt động và đến lúc đó, chúng ta chẳng có ý tưởng gì khi gặp một
vấn đề bất kỳ.
Một lối tư duy
giúp con người phá vỡ các giới hạn của mình đó là tư duy cởi mở. Tư duy cởi mở
khẳng định nhà lãnh đạo cần cởi mở và suy nghĩ một cách linh động, sẵn sàng thử
những cái mới và ứng dụng chúng vào công việc của mình. Tư tưởng thủ cựu sẽ khiến
nhà lãnh đạo không được cấp dưới nể phục và đôi khi khiến họ bị lạc hậu, cứng
nhắc, đi theo lối mòn. Người ta thường hay mắc phải sai lầm khi không chịu tư
duy theo một cách khác mà cứ khăng khăng vào một niềm tin đã định hình trong
quá khứ. Ví dụ như chú voi trong rạp xiếc. Chúng ta biết rằng voi là một loài động
vật khổng lồ. Nếu nó quyết định chạy đi, nó có thể gây ra sự hỗn loạn nghiêm
trọng và sự gián đoạn trong toàn bộ khu phố. Câu hỏi đặt ra là: Tại sao con voi
không cố gắng để thoát ra? Bất cứ khi nào một con voi mới được đưa đến rạp xiếc,
nó được xích vào một quả cầu sắt nặng. Những con voi đấu tranh trong vô vọng để
thoát ra. Mỗi ngày, con voi liên tục cố gắng để thoát ra cho đến khi nó dần mất
đi niềm hy vọng được tự do. Con voi đã xây dựng lên một niềm tin sai lầm về việc
không thể trốn thoát. Ngay cả khi các chuỗi cầu sắt được loại bỏ, nó sẽ không
bao giờ cố gắng để thoát khỏi một lần nữa. Tất cả chúng ta đã ở trong tình trạng
của con voi tại một số thời điểm trong cuộc sống. Xã hội luôn luôn tạo ra một
số "rào cản" được cho là bất khả xâm phạm đối với bất kỳ người bình
thường nào. Chúng ta cho rằng những thứ đó là không thể với tới được, trừ
khi chúng ta là một thiên tài hay rất may mắn. Một nhà lãnh đạo phải có suy
nghĩ cởi mở, phải phá tung xích sắt để chạy ra khỏi lối tư duy cũ để đến với những
chân trời mới. Theo em hiểu, tư duy cởi mở giúp con người phá vỡ các giới hạn
trong suy nghĩ của mình. Các nhà lãnh đạo phải quên đi các tư tưởng có điều kiện
để cởi mở đón nhận cái mới. Nhưng có rất nhiều người có phong cách học là dựa
vào kinh nghiệm tích lũy trong quá khứ. Vậy thì làm thế nào để có thể biết được
khi nào thì nên dựa vào kinh nghiệm, khi nào thì nên cởi mở trong tư duy. Có một
công cụ hữu hiệu được các nhà lãnh đạo ngày nay tin dùng, đó chính là “6 chiếc
mũ tư duy”. Đây là một công cụ trợ giúp tư duy cực kỳ hiệu quả, giúp nhà lãnh đạo
đánh giá sự việc từ nhiều góc nhìn khác nhau để đưa ra quyết định tốt hơn. Nhờ
vậy, nhà lãnh đạo sẽ hiểu rõ hơn mọi ngóc ngách của sự việc, nhận diện được những
nguy cơ và cơ hội mà bình thường họ ít khi chú ý đến.
Tư duy hệ thống là năng lực để nhận ra sự cộng
hưởng của một hệ thống như một khối thống nhất chứ không phải là từng thành phần
riêng biệt nhau và để tăng cường hoặc thay đổi toàn bộ khuôn khổ hệ thống. Hệ
thống có ở khắp mọi nơi từ vật thể sống như hệ tuần hoàn trong cơ thể đến những
đồ vật không sống như hệ thống phun xăng điện tử của xe máy. Tư duy hệ thống là
phương pháp tư duy hướng đến mở rộng tầm nhìn để hiểu mối liên hệ tồn tại giữa
mọi sự vật, nhận thức được nguyên nhân sâu xa ẩn dưới bề nổi của những hiện tượng
tưởng chừng như riêng rẽ. Trong những hệ thống phức tạp như xã hội con người,
nhân và quả không hiển hiện ngay trước mắt mà thường cách xa nhau trong thời
gian và không gian. Do đó có lúc ta dễ tạo ra cái lợi trước mắt mà khó thấy được
tác hại lâu dài về sau. Giống như trong cuộc chạy đua vũ trang giữa các siêu cường
quốc, khi Nga tăng cường lực lượng vũ trang, Mỹ nói: “Vì việc vũ trang của Liên
Xô mà chúng ta phải làm 1000 tên lửa mới”. Nga nói: “Chúng ta phải tăng thêm vũ
khí chiến lược của mình”. Việc tăng lực lượng vũ trang của Liên Xô dẫn tới việc
tăng vũ trang của phía Mỹ…và cứ thế tiếp diễn. Đấy chính là chu trình tăng cường
của tư duy hệ thống. Bởi vậy, trước khi làm bất cứ điều gì, người ta phải suy
tính cẩn thận mọi nhân quả của nó. Người xưa có câu: “Đừng chỉ thấy cây mà
không thấy rừng” hay “Học một biết mười”, đó cũng chính là nền tảng của tư duy
hệ thống. Khi lâm vào cảnh khó khăn, nan giải, người ta cũng an ủi mình rằng:
“Núi xanh còn đó sợ gì không có củi thiêu”. Tư duy hệ thống giúp ta thấy bức
tranh chính xác hơn của hiện thực được nhìn từ nhiều góc độ, khuyến khích ta
suy nghĩ sâu sắc hơn về vấn đề và đưa ra những giải pháp với tầm nhìn xa rộng
và bền vững. Vì vậy, nó đặc biệt cần thiết cho những người làm lãnh đạo, nhất
là khi phải đưa ra những quyết định, sách lược quan trọng. Trong thực tế cuộc sống
sinh viên hiện nay, làm bài tập nhóm là một chuyện rất phổ biến. Nhưng phần lớn
sinh viên đều bận bịu với những kế hoạch học tập, đi làm thêm của mình. Do đó,
sinh viên thường hay làm nhóm bằng cách chia bài tập được giao thành từng phần
và mỗi thành viên sẽ đảm nhận từng phần. Ưu điểm của cách làm này là tiết kiệm
được thời gian cho sinh viên và mỗi phần được tìm hiểu cụ thể đầy đủ. Tuy
nhiên, cách này cũng có nhược điểm là thành viên chỉ biết phần mình làm mà
không hiểu hết cả bài. Bởi vì tư duy hệ thống đòi hỏi mỗi người phải hiểu hết
toàn bộ bài tập, từng khía cạnh trong chủ đề đó, trong khi từng thành viên chỉ
quan tâm đến phần của mình thì chắc chắn việc học sẽ không đem lại hiệu quả
cao.
Ngoài ra, nhà
lãnh đạo phải có ưu thế cá nhân để biết
lúc nào nên thay đổi tư duy và lúc nào nên giữ vững lập trường. Nhà lãnh đạo phải
suy xét nhiều yếu tố ở nhiều khía cạnh khác nhau: điểm mạnh, điểm yếu của bản
thân, các tình huống môi trường có ủng hộ không, người phục tùng có ủng hộ
không, … để biết mình có những gì, không có những gì và ra quyết định hành động
phù hợp. Nhà lãnh đạo phải có một tầm nhìn rộng để hoạch định những chiến lược cho
tổ chức của mình.
Để trở thành một lãnh đạo tài ba, nhà
lãnh đạo không những sử dụng khả năng trí tuệ mà còn phải sử dụng trí tuệ cảm
xúc. Trí tuệ cảm xúc là một loại thông minh xã hội liên quan đến khả năng theo
dõi cảm xúc của mình và người khác, để phân biệt các cảm xúc đó, và sử dụng
thông tin để hướng dẫn suy nghĩ và hành động. Warren Bennis nói rằng: “Trí tuệ
cảm xúc, hơn hẳn tất cả các yếu tố khác, hơn hẳn IQ hay sự thành thạo chuyên
môn, chiếm từ 85% đến 90% thành công trong công việc. IQ là một năng lực cơ bản
ban đầu. Bạn cần IQ, nhưng IQ không giúp bạn thành một ngôi sao. Trí tuệ cảm
xúc có thể.” Trí thông minh lý trí thì chưa đủ quyết định thành công trong sự
nghiệp cũng như trong các mối quan hệ giao tiếp. Có chỉ số IQ cao là một lợi thế
trong cuộc sống, nhưng lợi thế đó chỉ phát huy tốt khi được kết hợp với trí tuệ
cảm xúc EQ.
Trí tuệ cảm xúc nghĩa là có khả năng quản
trị hiệu quả chính bản thân và các mối quan hệ của con người. Trí tuệ cảm xúc
là hiểu cảm xúc của người khác và cảm xúc của mình. Tại sao chúng ta cảm xúc
như vậy và chúng ta có thể làm gì với cảm xúc đó. Trí tuệ cảm xúc còn là khả
năng hiểu và sử dụng sức mạnh của cảm xúc một cách khôn ngoan. Điều tuyệt vời về
trí tuệ cảm xúc là chúng ta có khả năng học để phát triển trí tuệ cảm xúc của
mình. Ai cũng có khả năng tự rèn luyện
mình thành một người thông minh về mặt cảm xúc. Khác với IQ, trí tuệ cảm xúc
không phải là bất biến trong cuộc đời. Cảm xúc được phân chia thành 8 chủng loại
chính: tình yêu, sự thích thú, sự ngạc nhiên, sự hổ thẹn, nỗi buồn, nỗi sợ hãi,
sự chán ghét và sự giận dữ. Là con người, ai cũng có “hỉ nộ ái ố tham sân si”,
có “thất tình lục dục”, nhưng để tồn tại và hòa nhập với xã hội thì chúng ta phải
điều khiển tốt được cảm xúc của chính mình. Tuy cảm xúc được phân thành nhiều
chủng loại nhưng chung quy chỉ có hai loại chính: tích cực và tiêu cực. Điều
quan trọng là chúng ta phải học cách nuôi dưỡng những cảm xúc tích cực, ngăn chặn
những cảm xúc tiêu cực.
Ở vùng quê nọ có một ông cụ nuôi rất nhiều
con vật. Nhưng cậu cháu trai của ông chỉ chú ý đến hai con hổ được nhốt trong một
cái chuồng. Hai con hổ có tính khí khác nhau hoàn toàn, một con thì bình tĩnh
và kiềm chế trong khi con còn lại thì thất thường, hung hăng, khát máu. Cậu bé
hỏi ông: “Chúng có đánh nhau không?” “Thỉnh thoảng cũng có đấy cháu.” “Và con
nào thắng hả ông?” Người ông đáp rằng: “Con mà ta cho ăn”. Việc kiểm soát cảm
xúc cũng giống như vậy. Thường chúng ta sẽ rơi vào hai loại cảm xúc, tiêu cực
hoặc tích cực. Và chúng ta chiến thắng, thành công hay không phụ thuộc vào việc
chúng ta vun đắp, bồi dưỡng, nuôi nấng loại cảm xúc nào. Nếu chúng ta suốt ngày
sống trong buồn bã, tự ti thì cuộc đời của chúng ta sẽ u ám, xám xịt, chẳng ai
muốn đến gần, ngược lại, nếu chúng ta vui vẻ, tự tin thì con người chúng ta sẽ
toát lên một vẻ rực rỡ, sáng láng, khiến người khác vui lây. Mà người khiến người
khác vui vẻ, thích thú đương nhiên sẽ tạo được nhiều thiện cảm, nhiều mối quan
hệ và dễ dàng thành công hơn.
Chúng ta rất cần những kỹ năng để rèn
luyện sự nhạy bén cảm xúc. Có 4 thành phần cấu thành của sự nhạy bén cảm xúc
là: năng lực tự nhận thức, năng lực tự quản, nhận thức xã hội và quản trị các mối
quan hệ. Năng lực tự nhận thức bao gồm năng lực tự nhận diện và am hiểu về cảm
xúc của chính mình, cách thức nó tác động đến cuộc sống và công việc của chính
mình. Đôi khi cảm xúc của chúng ta xuất hiện và khiến chúng ta bối rối. Ví dụ:
“Tôi không thích cảm giác này nhưng tôi đang có cảm giác ganh tỵ.” Việc tự nhận
thức cảm xúc của mình là nhận ra cảm giác đó, không lẫn lộn với cảm xúc khác,
và tìm ra nguyên nhân của nó. Ví dụ như: “Tôi ganh tỵ vì Bob được sếp khen ngợi
còn tôi thì không, trong khi cả hai chúng tôi cùng nhau cố gắng!” Việc thừa nhận
cảm xúc và nguyên nhân gây ra nó đôi khi cũng là một điều hết sức dũng cảm. Bởi
vì có nhiều người không dám thừa nhận những nguyên nhân đó. Biết tự đánh giá bản
thân còn giúp chúng ta hiểu điểm mạnh, điểm yếu của mình, can đảm thể hiện những
suy nghĩ chưa được chấp nhận, và dám một mình theo đuổi cái đúng. Lúc này, sự tự
tin có được dựa trên sự thấu hiểu về bản thân mình chứ không phải là một niềm
tin mù quáng. Năng lực tự quản bao gồm năng lực điều hành những cảm xúc bạo loạn
và có hại. Nó giúp chúng ta quản lý mọi cảm xúc bốc đồng của bản thân, giữ được
sự bình tĩnh, lạc quan ngay cả trong những thử thách khó khăn nhất. Nhận thức
xã hội là khả năng một người thấu hiểu những người khác. Mỗi lần xem phim truyền
hình, các nhân vật thường hay nói câu này: “Đặt mình vào vị trí của tôi đi, rồi
hãy phán xét tôi!” Dường như sự thấu hiểu người khác là một việc rất cần thiết,
không chỉ đối với nhà lãnh đạo mà còn với tất cả mọi người ngoài xã hội.
Trước đây, rất
nhiều nhà lãnh đạo sử dụng cách lãnh đạo dựa trên sự sợ hãi. Bởi vậy ông bà ta
mới có câu: “Gần vua như gần hổ”, khiến ta liên tưởng đến các vị quan khúm núm,
sợ sệt, run lẩy bẩy trong triều. Ngày nay, cách lãnh đạo này đã bộc lộ những
nhược điểm và hậu quả nghiêm trọng của nó. Thử tưởng tượng bầu không khí trong
tổ chức căng thẳng, u ám, nhân viên sợ sệt không dám đưa ra quan điểm của mình,
không một ai dám nhắc đến lỗi lầm nào trong quá khứ, một viễn cảnh như thế thì
tổ chức sẽ phát triển bằng cách nào? Qua câu chuyện dưới đây, em đã nhận thấy
được sự khác biệt to lớn giữa hai phong cách lãnh đạo dựa trên sự sợ hãi và dựa
trên tình yêu. Hai bác sĩ Burke và Humboldt đang cạnh tranh cho vị trí CEO của
tập đoàn, điều hành bệnh viện này và nhiều cơ sở khác. Cả hai cùng là trưởng
khoa, đều là bác sĩ ưu tú và có nhiều công trình nghiên cứu được công bố rộng
rãi trên các tạp chí y khoa danh tiếng. Nhưng họ có tính cách rất khác nhau. Burke
rất khắt khe, chỉ chú trọng đến công việc và có phần vô cảm. Anh là người cầu
toàn, hà khắc, tạo ra bầu không khí ngột ngạt khiến nhân viên dưới quyền luôn cảm
thấy bất an. Humboldt cũng không kém phần nghiêm khắc nhưng anh rất dễ gần, thậm
chí còn rất khôi hài trong mối quan hệ với nhân viên, đồng nghiệp và bệnh nhân.
Các nhà quan sát nhận thấy ở khoa của Humboldt, nhân viên cười và đùa giỡn với
nhau – hay thậm chí còn nói ra được suy nghĩ của nhau – nhiều hơn ở khoa của
Burke. Nhân tài vào loại ưu tú nhất của Burke cũng lần lượt rời bỏ khoa, trái
ngược hẳn hình ảnh các nhân viên xuất sắc cứ liên tục hướng về môi trường làm
việc ấm áp của Humboldt. Nhận thấy Humboldt có phong cách lãnh đạo đầy trí tuệ
xã hội, ban quản trị bệnh viện quyết định chọn anh cho vị trí CEO. Nhiều người
đồng ý rằng nên lãnh đạo dựa trên tình yêu, nhưng có một vấn đề đặt ra là “Nếu
lãnh đạo bằng tình yêu, nhà lãnh đạo có thể vừa có được sự tôn trọng vừa có được
quyền lực hay không?” Và theo em, câu trả lời là rất khó để có được cả hai điều
đó. Vì vậy, lời khuyên chung nhất, nhà lãnh đạo nên có một trái tim nóng và một
cái đầu lạnh.
Có rất nhiều người lãnh đạo dựa trên sự sợ hãi. Một
trong số đó là Adolf Hitler. Phong cách lãnh đạo của ông ta là độc đoán, ông ta
thiết lập chế độ độc tài, sẵn sàng thanh trừng và đàn áp các nhân vật chống đối.
Cấp dưới sợ ông, không trung thành và thậm chí ghét ông. Ông đã có rất nhiều
quyết định sai lầm và nếm mùi thất bại trong đế chiến 2 vì không nghe ý kiến cấp
dưới, xa rời nguyện vọng của nhân dân. Người ta hay tìm hiểu các nguyên nhân tại
sao các nhà lãnh đạo lại khiến cấp dưới sợ hãi như vậy. Có nhiều nguyên nhân dẫn
đến điều này như: họ muốn nhân viên làm việc quy củ và có kỷ luật hơn, gạt bỏ sự
chống đối của cấp dưới, hoặc vì muốn thể hiện quyền uy của mình, nhưng cũng có
thể họ sợ quyền lực bị lung lay, và cố gắng tìm cách giữ vững cái ghế của mình.
Có nhiều nỗi sợ hãi trong tổ chức, như là sợ mắc phải sai lầm, sợ bị thay đổi,
sợ bị mất mát cá nhân, sợ va chạm, sợ ông chủ,… Theo em thì những nỗi sợ này đều
xuất phát từ nền văn hóa của tổ chức. Vậy làm thế nào để có thể xua tan đi nỗi
sợ hãi trong nhân viên? Nhà lãnh đạo có thể nói: “Các bạn đừng sợ và cứ mạnh dạn
nói lên suy nghĩ của mình!”, nhưng không bao giờ triệt tiêu đi nỗi sợ hãi đó được.
Mà việc cần làm nhất là thiết lập một nền văn hóa tổ chức đủ hùng mạnh để đập
tan nỗi sợ hãi. Bên cạnh đó, phong cách nhà lãnh đạo cũng có ảnh hưởng đáng kể
đến nỗi sợ của nhân viên. Trong bất kỳ tình huống nào, theo em nghĩ nhà lãnh đạo
cũng không nên lãnh đạo bằng sự sợ hãi, bởi vì sợ hãi khiến nhân viên xa rời tổ
chức. Lãnh đạo bằng tình yêu sẽ làm cho nhân viên đón nhận và có động lực làm
việc hơn. Có nhiều người lãnh đạo bằng tình yêu, mà một minh chứng sống động và
rõ ràng nhất là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại của chúng ta. Bác lãnh đạo nhân dân
ta bằng cả trái tim. Trái tim ấy lúc nào cũng mong muốn những điều tốt đẹp nhất
cho dân tộc. “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc. Đó là dân ta, ai ai
cũng có cơm ăn, ai ai cũng có áo mặc, ai ai cũng được học hành…” Nhà thơ Tố Hữu
đã viết: “Bác sống như trời đất của ta. Yêu từng ngọn cỏ mỗi nhành hoa. Chỉ biết
quên mình cho hết thảy. Như dòng sông chảy nặng phù sa”.
Công việc là một phần của cuộc sống, nhân viên ở văn
phòng 8 giờ một ngày, 6 ngày một tuần, thì văn phòng cũng trở thành căn nhà thứ
hai của họ. Bởi vậy, nhà lãnh đạo phải làm cho họ cảm thấy công ty là nhà của
mình, là một nơi thú vị và đáng để cống hiến, chứ không phải là một nơi sản xuất
áp lực và ngán ngẩm khi nghĩ đến nó. Nếu trong ngôi nhà đó có tình yêu, có sự
đam mê yêu thích công việc, có sự yêu thương lẫn nhau giữa lãnh đạo và nhân
viên, giữa đồng nghiệp với nhau thì căn nhà đó sẽ tạo nên nhiều điều tuyệt vời.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét