Ngoài hai khía cạnh tạo nên thành
công cho nhà lãnh đạo là trí tuệ và trái tim, còn một nhân tố thứ ba không kém
phần quan trọng là đạo đức nhà lãnh đạo. Đạo đức rất dễ bị lung lay, lương tâm
người ta thường đối diện với những tình huống dễ bị cám dỗ bởi lợi nhuận. Sau
khi tìm hiểu về hàng loạt các vụ bê bối được đề cập trong phần đầu của chương,
em đã nhận ra một điều, ở vị trí quyền lực cao, chịu trách nhiệm càng lớn thì
nhà lãnh đạo càng có nhiều cám dỗ hơn. Trong cuốn Tốc độ của niềm tin (Stephen M. R. Covey), tác giả cũng đề cập đến
các vụ bê bối đạo đức mà tác hại của chúng là vô cùng to lớn. Chúng không chỉ ảnh
hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân mà còn mất đi niềm tin của nhân
viên và công chúng. Người lao động trở nên thận trọng hơn trong việc lựa chọn
công ty, nhân viên không hoàn toàn tin tưởng vào lãnh đạo và khách hàng đắn đo
trong việc đầu tư. Một khi mất đi niềm
tin thì nó sẽ lan tỏa nhanh chóng không cưỡng lại được, tất cả nhuệ khí, tinh
thần, sự nỗ lực, nhiệt huyết và hành động của nhân viên sẽ bị ảnh hưởng nghiêm
trọng. Do đó, tổ chức cần những nhà lãnh đạo có đạo đức, chiếm được lòng tin của
mọi người. Tuy nhiên, xung quanh họ luôn đầy rẫy những cám dỗ, đặc biệt nhà
lãnh đạo ở vị trí quyền lực càng cao thì càng dễ bị cám dỗ, vậy họ càng phải có
nghị lực, lòng can đảm cao và lập trường vững vàng để không bị lung lay, mê hoặc.
Nguyên nhân của những sai lầm đạo
đức có thể là do sự ích kỷ của nhà lãnh đạo. Không hiếm người tự cao tự đại,
cho rằng mọi thành công đều thuộc về mình, và đổ lỗi cho người khác khi thất bại.
Bởi vì con người thường hay suy diễn đồng biến. Đối với bản thân, kết quả tốt
là do chủ thể, tức là họ sẽ nhận sự thành công là của mình, còn kết quả xấu là
do đối tượng và hoàn cảnh, do đó họ sẽ đổ lỗi cho người khác và rũ bỏ mọi trách
nhiệm. Bởi vậy, một nhà lãnh đạo ích kỷ và có lòng tham thường dễ đi vào con đường
phi đạo đức. Em đã đọc một bài luận văn về phong cách lãnh đạo của Steve Jobs,
bài viết có đề cập đến ông như là một ví dụ về sự vô đạo đức. Ông đã lấy cắp ý
tưởng của nhân viên và trình bày trước hội đồng như thể đó là của ông, trong
khi người nhân viên là chủ nhân chân chính của nó lúc trình bày ý tưởng này với
ông thì bị ông chỉ trích thậm tệ. Đây minh chứng rõ ràng nhất của việc sai lầm
đạo đức của các nhà lãnh đạo.
Ông Lý Quang Diệu, thủ tướng của
đất nước phát triển nhất Đông Nam Á Singapore, được các nhà nghiên cứu quản trị
và các nhà báo nổi tiếng nhận định rằng, ông là một nhà lãnh đạo có tiêu chuẩn
đạo đức rất cao. “Điều ông Lý Quang Diệu tin tưởng là tầm quan trọng của tự do,
cuộc sống ấm no và hòa bình. Đó là nền tảng của đất nước Singapore hiện nay.”
Ông tin tưởng và mạnh mẽ làm theo những nguyên tắc đạo đức đã đề ra, và kết quả
là một đất nước Singapore phát triển mạnh mẽ như hiện nay. Ông đã thực hiện một
chính sách vô cùng hữu hiệu để có thể bài trừ nạn tham nhũng tại đất nước này.
Đó là trả lương cao cho cán bộ công chức nhà nước, vì khi họ có lương cao, được
thỏa mãn nhu cầu thì họ sẽ làm việc chăm chỉ, không cần nghĩ đến việc tham
nhũng nữa, và đồng thời thu hút được nhiều nhân tài phục vụ cho đất nước. Không
những thế, ông còn đề ra các quy định pháp luật chặt chẽ và nghiêm khắc. Nhờ
đó, tỉ lệ tội phạm ở đất nước Singapore rất thấp. Nhìn lại đất nước mình, nhiều
thực trạng xã hội đang diễn ra cho thấy sự suy thoái đạo đức của người Việt
Nam, không chỉ là cán bộ Đảng viên mà còn có thanh niên, thế hệ trẻ. Tham
nhũng, tội ác lan tràn khắp nơi. Không chỉ vậy, cách ứng xử, giao tiếp, ăn mặc
của thế hệ trẻ hiện nay đang làm xấu đi thuần phong mỹ tục, ảnh hưởng đến nền văn
hóa của người Việt Nam xây dựng bao đời nay. Em đã đọc một bài nhận xét của một
du khách nước ngoài, ông ta đặt tên cho tiêu đề của nó là “Lý do tôi không bao
giờ quay lại Việt Nam lần nữa”. (http://www.nomadicmatt.com/travel-blogs/why-ill-never-return-to-vietnam/?hc_location=ufi).
Trong đó, ông có giải thích những lý do, những cách ứng xử, những điều bất công
mà ông nhận được từ một số người dân địa phương, và ông đã bị sốc nặng với lối ứng
xử vô văn hóa và vô đạo đức của họ. Bởi vậy, chính sự vô đạo đức đã góp phần
làm xấu hình ảnh người Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế, rồi từ đó, biết bao hệ
lụy kéo theo. Những nhà lãnh đạo tối cao của đất nước phải làm sao nghĩ ra những
biện pháp chấm dứt những tình trạng như thế, thì mới có thể dẫn đường cho Việt
Nam phát triển xa hơn.
Em cho rằng đạo đức không chỉ bó
hẹp trong việc đem lại lợi ích cho tổ chức, cổ đông, nhân viên, mà còn phải chịu
trách nhiệm đối với toàn bộ các bên hữu quan. Trong kinh doanh, tổ chức không
chỉ phải có việc kiếm tiền để phục vụ lợi ích cho tổ chức, mà còn phải tính đến
chuyện góp phần phát triển nền kinh tế quốc gia, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên,
bảo vệ nền văn hóa của đất nước, bảo vệ trái đất, thân thiện với môi trường,…
Ngày nay, nhà lãnh đạo giỏi phải hoàn thành cùng lúc những trách nhiệm đó, chứ
không phải chỉ đơn giản là đem lại lợi ích cho tổ chức và nhân viên của mình.
Và những hành vi phi đạo đức cho dù là vì bất cứ lý do nào đi nữa cũng là hành
vi sai trái, đáng bị lên án.
Để trở thành nhà lãnh đạo hợp đạo
đức thì những người lãnh đạo phải biết phân biệt giữa cái đúng và cái sai, tìm
kiếm sự công bằng, trung thực, những điều tốt đẹp để biến chúng thành những
hành động cụ thể. Ba cấp độ của quá trình phát triển đạo đức bao gồm: tiền lệ,
quy ước, nguyên tắc. Ở cấp độ “tiền lệ”, các cá nhân đặt mình vào vị trí trung
tâm và chỉ quan tâm đến việc tưởng thưởng, tránh bị trừng phạt. Cấp độ “quy ước”,
họ tuân theo những quy tắc, giá trị, tiêu chuẩn của tổ chức một cách vô điều kiện.
“Nguyên tắc” là mức mà ở đó họ tuân thủ những nguyên tắc nội tại mà đã được
công nhận một cách rộng rãi. Việc phát triển đạo đức của con người đi từ mức độ
“tiền lệ” đến “quy ước” và cuối cùng là “nguyên tắc”. Hầu hết những người bình
thường đều ở mức độ thứ 2 của mô hình phát triển. Em tự nhận thấy mình cũng thuộc
mức độ thứ 2. Vì đôi khi, có những phút yếu lòng mà em không dám hành động theo
những nguyên tắc của mình, bỏ qua đạo đức. Những lần nói dối ba mẹ, trốn học,
hay mải mê chơi bời với bạn bè,… đều là những lúc đấu tranh nội tâm dữ dội.
Nhưng sau đó, phần đúng luôn thua cuộc. Tuy nhiên, em cũng ý thức được trách
nhiệm của mình, nên không trượt dài trên những sai lầm, bởi vì em biết nếu
không thức tỉnh chính mình thì những sai lầm đó dần trở thành thói quen, rồi dẫn
đến những sai lầm đạo đức nghiêm trọng khác. Nói đến đạo đức của nhà lãnh đạo,
Việt Nam luôn có thể tự hào vì một tấm gương chói lóa, đó chính là chủ tịch Hồ
Chí Minh. Ở Bác, đạo đức được phát triển lên đến mức độ cao nhất, là nguyên tắc
bất di bất dịch của Người. Con người của Bác mỗi một giây một phút đều suy nghĩ
cho dân cho nước. Một người luôn hy sinh lợi ích của chính mình vì đại cục. Có
mấy ai trên thế giới có được tấm lòng đạo đức sáng ngời như Bác.
Từ cấp độ cao nhất là nguyên tắc,
nhà lãnh đạo có thể chuyển đổi mối quan hệ lãnh đạo – phục tùng. Theo
Greenleaf, một nhà lãnh đạo phục vụ có đặc điểm sau: đặt việc phục vụ người
khác lên trên sở thích cá nhân, biết lắng nghe, thể hiện sự tin cậy, bảo vệ người
khác khỏi sự tổn thương. Qua 4 giai đoạn: Kiểm soát, Tham gia, Trao quyền, Phục
vụ, nhà lãnh đạo đảo ngược vai trò, trong đó nhà lãnh đạo hy sinh và phục vụ
cho nhu cầu của người khác, thúc đẩy và mang đến cho họ cơ hội phát triển. Em cảm
thấy ít ai có thể làm được điều này, bởi vì một khi đã là nhà lãnh đạo, họ có vị
trí quyền lực cao hơn người khác, cho nên họ khó có thể vứt bỏ lòng tự tôn của
mình để phục vụ người khác. Thậm chí họ cho rằng đó là điều điên rồ. Nhưng những
ai đã đọc Kinh Thánh đều biết rằng, Chúa Giê-su là một nhà lãnh đạo phục vụ
hoàn hảo nhất trên thế giới. Trong Kinh Thánh có đoạn miêu tả Chúa Giê-su rửa
chân cho mười hai môn đệ, họ vô cùng ngạc nhiên và tự hỏi vì sao Thầy lại làm
như vậy, Thầy có ý gì… Và Chúa Giê-su đã giải đáp cho họ: “Ai muốn làm người đứng
đầu, hãy bắt đầu bằng công việc của kẻ nhỏ nhất.”
Nhưng để trở thành một nhà lãnh đạo
có đạo đức là một điều không hề đơn giản vì sự ích kỉ, lòng tham, những nhà
lãnh đạo cấp cao đôi khi chạy theo mục đích cá nhân mà coi thường luật lệ, những
chuẩn mực đạo đức mà tổ chức đã đề ra. Do đó, đòi hỏi nhà lãnh đạo phải có lòng
can đảm. Can đảm dám nhận trách nhiệm về mình. Không phải lãnh đạo là một người
luôn luôn đúng, đôi khi họ cũng mắc phải những sai lầm. Nhưng điều quan trọng
là phải biết dám chấp nhận thất bại và sai lầm hơn là đỗ lỗi cho người khác. Can
đảm đồng nghĩa với sự bất tuân theo lề thói. Một nhà lãnh đạo hiện đại là phải
biết linh động giải quyết công việc theo tình huống chứ không phải luôn luôn
tuân theo lề thói cũ, có thể khi đưa ra quyết định ban đầu họ sẽ gặp nhiều sự
phản kháng nhưng phải biết chấp nhận rủi ro. Can đảm là biết vượt qua giới hạn
an toàn. Khi đưa ra một quyết định nào đó, có thể nó sẽ thay đổi cả cuộc đời
nhưng phải biết chấp nhận dấn thân vì cơ hội không đến lần thứ hai, phải biết nắm
bắt cơ hội. Như dân gian thường hay nói “có gan làm giàu”, “được ăn cả ngã về
không”.
Trong cuộc khảo sát văn hóa của
các nước trên thế giới, Hofstede đã đưa ra một tình huống nhằm đo lường tính
cách con người. Một người bạn của bạn lái xe với tốc độ cao, đâm vào một người,
ở đó không có nhân chứng, không có ai ngoài bạn. Người bị nạn kiện anh ta. Nếu
bạn là nhân chứng duy nhất, và lời nói của bạn sẽ quyết định bạn của bạn có vô
tội hay không, thì bạn sẽ bảo vệ bạn của bạn hay nói ra sự thật? Kết quả của cuộc
nghiên cứu cho thấy, 95% người Mỹ chọn cách nói thật, còn đối với người châu Á
như Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản thì tỉ lệ này thấp hơn một chút. Qua câu chuyện
này, em nhận thấy can đảm và đạo đức bị ảnh hưởng nhiều bởi văn hóa. Một nền
văn hóa có tính phổ biến, thì họ sẽ chọn cách nói thật, còn các nước có nền văn
hóa đặc trưng thì họ sẽ bảo vệ thứ mà mình muốn bảo vệ, mặc kệ sự thật. Một số
người lựa chọn bảo vệ bạn mình, có phải họ là những người không có can đảm để
nói lên sự thật?
Vậy làm thế nào để khám phá lòng
dũng cảm của một nhà lãnh đạo? Điều đầu tiên là cam kết vì những mục tiêu cao cả.
“Sự can đảm vươn tới mục tiêu của nhà lãnh đạo tài ba xuất phát từ niềm đam mê,
không phải từ địa vị.” Do đó khi có mục tiêu, có viễn cảnh về bức tranh tươi đẹp
của tổ chức, lòng dũng cảm sẽ xuất hiện đấu tranh cho niềm tin và dẫn dắt hành
vi nhà lãnh đạo. Một cách để khám phá lòng can đảm
của bản thân là khai thác sức mạnh của sự giận dữ và thất vọng. Em nghĩ, sự giận
dữ và thất vọng được phân thành hai loại, một loại được gây nên bởi mâu thuẫn
trong công việc và loại còn lại gây nên bởi mâu thuẫn cá nhân. Nếu muốn khai
thác sức mạnh từ sự giận dữ thì phải tìm hiểu nguyên nhân hình thành nó, và xác
định xem nó thuộc loại nào. Nếu là sự giận dữ và thất vọng bởi xung đột trong
công việc thì có thể khai thác, nhằm tạo ra nhiều ý tưởng, nhiều hướng đi mới,
phát triển tổ chức. Và nên giảm thiểu đến mức thấp nhất sự giận dữ và thất vọng
do xung đột cá nhân, bởi vì nó sẽ gây ra hậu quả tiêu cực. Thứ ba là sẵn
sàng chấp nhận thất bại. Vì trong đời người, ai cũng có lần phải đối mặt với những
thất bại. Những lúc như thế, chúng ta hãy nhớ đến lời của một danh nhân người
Mĩ – tổng thống Abraham Lincoln: “Điều tôi muốn biết trước tiên không phải là bạn
đã thất bại ra sao mà là bạn đã chấp nhận nó như thế nào.” Có thể hiểu một cách
khái quát là không nên nhìn vào kết quả của thất bại mà hãy biết đứng lên sau
những thất bại đó.
Một câu hỏi được đặt ra, một nhà
lãnh đạo độc đoán mà có lòng can đảm cao thì sẽ xảy ra chuyện gì? Liệu người đó
sẽ tự mình quyết định tất cả, tự mình liều lĩnh, khiến tổ chức lâm vào tình trạng
rủi ro “ngàn cân treo sợi tóc” không? Em tin tưởng rằng, nếu nhà lãnh đạo vừa độc
đoán vừa can đảm thì cũng chẳng sao, vì họ tin vào chính mình, biết mình có thể
đi đến đâu và dám thử thách chính mình. Bởi vậy có một nhà lãnh đạo như thế thì
cũng chẳng có gì không tốt cả. Em tin rằng thành công chỉ đến với những người
biết chấp nhận rủi ro và dũng cảm đương đầu với những thử thách.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét